Chiều 12/3, tại Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng các thành viên Đoàn kiểm tra số 1 của Chính phủ là lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương có buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nút thắt đối với 4 dự án giao thông.
Việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
Ngày 1/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký các quyết định thành lập 7 đoàn kiểm tra về rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm có kế hoạch hoàn thành năm 2025 để đạt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc. Các đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra tiến độ, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xử lý các nút thắt, điểm nghẽn để bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án.
Trong 7 đoàn kiểm tra nêu trên, Đoàn kiểm tra số 1 do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng Đoàn. Đoàn kiểm tra số 1 kiểm tra các dự án: Hòa Liên – Túy Loan, Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh.
Các dự án giao thông này thuộc tuyến cao tốc trục dọc Bắc – Nam phía đông do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định đầu tư, các ban quản lý dự án của Bộ Xây dựng là chủ đầu tư.
Tổng chiều dài của 4 tuyến là 231,27 km, trong đó đoạn Hòa Liên – Túy Loan dài 11,47 km đi qua địa phận Đà Nẵng; đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn dài 88 km (đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3 km, tỉnh Bình Định dài 27,7 km); đoạn Hoài Nhơn – Quy Nhơn dài 70,1 km, đi qua địa phận tỉnh Bình Định và đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh dài 61,7 km (đi qua tỉnh Bình Định dài 19,6 km, tỉnh Phú Yên dài 42,1 km).
Tổng mức đầu tư của 4 dự án là 49.786,385 tỷ đồng (đoạn Hòa Liên – Túy Loan 2.112,99 tỷ đồng; đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn 20.469,69 tỷ đồng; đoạn Hoài Nhơn – Quy Nhơn 12.401,25 tỷ đồng; đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh 14.802,46 tỷ đồng).
Tổng khối lượng phải GPMB của 4 dự án là 1.327,54 ha/12.385 hộ, trong đó bố trí tái định cư 3.264 hộ; xây dựng 74 khu tái định cư. Tổng nhu cầu vật liệu đối với 4 dự án (sau khi tận dụng vật liệu điều phối từ nền đào) là đá các loại 9,78 triệu m3, cát 4,83 triệu m3, đất đắp nền 22,99 triệu m3.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai, thi công các dự án cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất. Chính phủ đã thành lập các đoàn công tác để trực tiếp làm việc với các địa phương nhằm nắm bắt thông tin thực tế, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm các dự án sớm được hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng.
Đối với 4 dự án (Hòa Liên – Túy Loan, Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh) đi qua các địa phương là Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành chức năng, các địa phương có báo cáo cụ thể, rõ ràng về kết quả triển khai cụ thể; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc đang gặp phải và đề xuất giải pháp tháo gỡ; bảo đảm chất lượng, tiến độ hoàn thành các dự án theo yêu cầu và mục tiêu đề ra; nhấn mạnh, các dự án hoàn thành sẽ có tác động rất tích cực, là một trong những yếu tố góp phần cho bảo đảm tăng trưởng 8% năm 2025 cũng như phát huy hiệu quả trong liên kết, kết nối vùng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển cho các địa phương có công trình đi qua.

Thực trạng tình hình triển khai 4 dự án
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, dự án đoạn Hòa Liên – Túy Loan được khởi công tháng 9/2023; hoàn thành theo hợp đồng tháng 11/2025; dự kiến rút ngắn hoàn thành tuyến vào tháng 8/2025.
Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn được khởi công ngày 1/1/2023; hoàn thành theo hợp đồng tháng 9/2026; dự kiến rút ngắn cơ bản hoàn thành tháng 9/2025, riêng hầm số 3 dài 3,2 km cơ bản hoàn thành ngày 31/12/2025.
Dự án đoạn Hoài Nhơn – Quy Nhơn được khởi công ngày 1/1/2023; ngày hoàn thành theo hợp đồng là 16/12/2025; dự kiến rút ngắn hoàn thành ngày 30/9/2025.
Một số nhà thầu đang chậm tiến độ cần theo dõi đặc biệt và có giải pháp xử lý đáp ứng tiến độ; công tác tổ chức thi công đoạn qua rừng tự nhiên chưa khoa học, cần điều chỉnh giải pháp tổ chức thi công của nhà thầu để mở thêm các mũi thi công, tăng cường tổ chức thi công vào ban đêm.
Cuối cùng là Dự án đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh được khởi công ngày 1/1/2023; ngày hoàn thành theo hợp đồng là 14/12/2025; dự kiến rút ngắn hoàn thành ngày 30/9/2025.
Vướng ở đâu thì phải kịp thời giải quyết, tháo gỡ ở đó
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Xây dựng báo cáo tổng quan về tình hình triển khai thực hiện 4 dự án; ý kiến của các bộ, ngành, nhà thầu, đơn vị thi công và 4 địa phương có dự án đi qua về đề xuất, giải pháp phối hợp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc còn tồn tại… Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh, đánh giá cao Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, các bộ, ngành hữu quan và các địa phương có dự án đi qua, các nhà thầu, đơn vị thi công đã nỗ lực, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác bố trí, phân bổ vốn; công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, di dân, tái định cư, động viên người dân bàn giao đất cho các dự án; làm tốt công tác chuẩn bị vật liệu gồm: đất, cát, đá… phục vụ cho công trình…
Đến nay những vướng mắc của các dự án là không đáng kể, hiện còn một số vướng mắc nhỏ liên quan đến vấn đề về vật liệu xây dựng, bố trí tái định cư; một số ý kiến khiếu nại của người dân do quá trình thi công các dự án làm hưởng tới đời sống sinh hoạt… Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các bộ, ngành chức năng và các địa phương tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm những vướng mắc còn tồn tại, tinh thần là vướng ở đâu thì phải kịp thời giải quyết, tháo gỡ ở đó; tháo gỡ phải tích cực, khẩn trương, nhanh và hiệu quả.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các nhà thầu, đơn vị thi công tổ chức phương án thi công hợp lý, tránh ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Đẩy nhanh tiến độ thi công, làm việc “3 ca, 4 kíp”; “làm ngày làm đêm”, nhưng phải bảo đảm chất lượng, không vì tiến độ mà bỏ qua quy trình.
Đồng thời phải bảo đảm kỷ luật lao động, an toàn trên các công trường. Các nhà thầu cam kết bảo đảm lợi ích cho người dân, đền bù những thiệt hại đối với người dân trong quá do quá trình thực hiện, thi công các dự án gây ra; không để xảy tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.
Các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà thầu, các đơn vị thi công triển khai nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng, tiến độ của các dự án.
